Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

Tiêu cực trong thi cử của học sinh và hậu quả xã hội nhìn từ góc độ tâm lý

Tiêu cực trong thi cử là gì?

Tiêu cực trong thi cử là những hành vi gian lận, bất minh làm sai lệch kết quả thi cử. Những hành vi đó xuất phát từ nhiều động cơ, nguyên nhân và mục đích khác nhau. Tiêu cực trong thi cử được thực hiện độc lập hoặc có sự phối hợp từ nhiều phía: người thi, người coi thi, người xét duyệt kết quả…
Tuy nhiên, trong phạm vi bài này, tôi xin chỉ nói về tiêu cực trong thi cử của học sinh (người thi) mà thôi. Vì rằng những tiêu cực của học sinh là một yếu tố chủ quan ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành nhân cách của chủ thể. Đó còn là một yếu tố nhạy cảm dễ có tác động làm nảy sinh những tiêu cực khác trong thi cử.

Tâm lý, thái độ của học sinh đối với tiêu cực trong thi cử

Với học sinh, hình thức tiêu cực trong thi cử thường thấy hiện nay là “quay cóp”. Nguyên thủy của cụm từ “quay cóp” là copier- tiếng Pháp có nghĩa là sao chép. Từ copier được Việt hóa là cóp-pi hay là cọp dê. Từ ngữ này được du nhập và sử dụng rộng rãi tại Việt Nam có lẽ là từ nửa sau thế kỷ XIX khi người Pháp đặt nền cai trị ở nước ta và chuyển nền học vấn theo Nho học thành Tây học.
Trong hành chánh từ copier không có nghĩa xấu vì nó là sao chép là bản sao… Trong giáo dục, từ copier, cọp dê ám chỉ điều xấu đó là hành vi chép bài của người khác, chép tài liệu, gian lận trong học và thi. Vì vậy, đối với học trò ngày xưa nếu bị gán ghép là trò cọp dê, thằng cọp dê thì là một điều xấu, một sự chê trách, sỉ nhục. Học trò tự trọng luôn sỉ diện tránh xa điều này.
Dần dần từ copier đã có những cách gọi khác như: cọp dê, mánh, bùa chú, quay cóp và hiện nay là phao.
Từ “quay cóp” chuyển sang “phao” là một bước chuyển biến tâm lý đáng lưu ý. Các từ ngữ như cọp dê, mánh, bùa chú, quay cóp đều có ý nghĩa đó là điều xấu là gian lận, mánh khóe, bất minh trong thi cử thì từ “phao” lại có ẩn ý khác hẳn, ngược lại. Phao là vật cứu hộ dành cho người bị rơi xuống nước, sắp chết đuối… Vì vậy, việc một người sắp chết đuối mà chụp lấy phao, ôm phao là điều tự nhiên nên làm, phải làm không có gì là xấu xa, gian lận. Việc đưa phao, quăng phao cho người bị rớt xuống nước là điều phải làm, là điều tốt.
Như vậy, từ một việc làm được coi là xấu, là gian lận đã chuyển thành là một việc được coi là tốt. Phải chăng đó là sự chuyển biến về tâm lý, tình cảm và nhận thức của một bộ phận học sinh và phụ huynh? Phải chăng chính vì vậy mà những kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trước đây đã có không ít các Hội đồng thi ở một số địa phương đã làm ngơ cho thí sinh chuyền tay nhau các “phao” và bên ngoài quăng, ném, bắn “phao” vào các phòng thi vô tội vạ để rồi sau mỗi buổi thi người ta quét dọn đến hàng kílôgam “phao” tại mỗi Hội đồng thi.
Nhìn lại lịch sử khoa cử Việt Nam chúng ta cũng  dễ dàng thấy rằng trong thi cử thời nào cũng có những tiêu cực luôn ẩn hiện bên cạnh những mặt tích cực. Vì vậy mà ngày xưa các thầy đồ khi dạy cho các môn sinh của mình luôn răn đe cấm kỵ về những thói gian lận trong thi cử. Các sĩ tử có lòng tự trọng cũng không để mình vi phạm điều này.
Luật lệ khoa cử thời xưa cũng xử lý rất nặng những gian lận trong thi cử. Sĩ tử khi thi mà chép bài người khác, đem theo sách vở lén lút ghi chép bị phát hiện thì vi phạm trường qui bị ghép tội là “huề hiệp văn tự” và bị xử lý rất nặng “chung thân bất khả ứng thí” tức là một đời không được đi thi nữa.
Một số quan lại coi thi nếu có thông đồng, gian lận hoặc thiếu trách nhiệm trong thi cử cũng bị xử lý rất nặng : giáng chức, lưu đày…như dưới triều Lê, triều Nguyễn.
Lê Thánh Tông, một vị vua anh minh rất quan tâm tới khoa cử. Nhà vua thường tự mình hoặc cử ra những vị quan cao cấp, liêm khiết làm chủ khảo các kỳ thi tổ chức tại kinh đô. Các kỳ thi đó thật sự là phương thức lựa chọn hiền tài cho đất nước.
Ngược lại, nhiều kỳ thi dưới thời Trịnh Nguyễn phân tranh tổ chức lỏng lẻo đầy rẫy gian lận đã biến tướng thành nơi mua quan bán chức “sinh đồ ba quan”. Hậu quả là tạo ra nhiều quan lại sâu dân mọt nước.
Ngành giáo dục cần phải làm gì?
Hiện nay ngành giáo dục đang cải tiến việc học, việc thi “học thực chất, thi thực chất”.
Chúng ta cũng đang trãi qua nhiều năm thực hiện cuộc vận động “ hai không” trong đó có nội dung “ nói không với tiêu cực trong thi cử ” .Những kết quả bước đầu trong thực hiện cuộc vận động này là đáng phấn khởi , những biện pháp song hành với cuộc vận động cũng đã chỉ ra những triển vọng thi cử lành mạnh trong tương lai.
Tuy vậy, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng những kết quả đạt được chưa thật chắc chắn, bền vững.
Chúng ta cần phải có thời gian. phải làm nhiều việc để thay đổi tâm lý, tình cảm, thái độ của người học, người thi từ chỗ coi gian lận trong thi cử là “phao” chuyển đổi thành coi “phao” là gian lận, là xấu và “phao” không còn được dùng để chỉ gian lận trong thi cử nữa thì vấn đề mới được giải quyết căn cơ . Có thể việc đó phải làm trong ba năm, năm năm tới hoặc lâu hơn nữa chúng ta cũng phải làm.
Thật vậy, chúng ta thử nghĩ về một học sinh từ khi bước chân vào trường tiểu học đến khi ra trường ở bậc đại học, suốt 16 năm không hề có gian lận trong thi cử thì khi ra đời sẽ thế nào? Sẽ trở thành người công dân tốt ! đó là câu trả lời.
Ngược lại, nếu có một học sinh tương tự nhưng đã trải qua nhìều gian lận trong thi cử để “đỗ đạt thành tài” thì ra đời sẽ thế nào? Câu trả lời có thể là : Nếu người đó hoạt động ở chốn thương trường thì ắt gì có cạnh tranh lành mạnh, tuân thủ pháp luật, nếu ở chính trường chắc gì có văn hoá từ chức, nếu ở quan trường chắc gì không chạy quyền, chạy chức.
Đó là hậu quả có thể nhìn thấy của gian lận trong thi cử. Hậu quả này vừa gây tác hại cho nhân cách của chủ thể gian lận vừa ảnh hưởng xấu cho xã hội. Để góp phần khắc phục được điều đó, có lẽ ngành giáo dục cần phải có quyết tâm cao trong việc tổ chức thi cử lành mạnh, xây dựng ý thức tự giác, lòng tự trọng đối với việc thi cử của học sinh ngay từ lớp một, cấp một và duy trì thường xuyên.
Trong quá trình thực hiện cuộc vận động  “ hai không ”  trong ngành giáo dục, mong các cấp quản lý giáo dục và thầy, cô gíao, các bậc phụ huynh, học sinh, sinh viên cùng tham khảo và vận dụng./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét