Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

Tình yêu tuổi học trò: nên hay không?


Ngày nay, mức sống xã hội đã cao hơn, nhiều gia đình có phòng riêng cho con, trang bị đủ máy tính, Internet và webcam. Với sự tiếp xúc thông tin dễ dàng như thế, một em gái 10 tuổi hiện nay có thể hiểu biết bằng lứa tuổi 15, 16 trước đây về nhiều mặt.

Bận bịu cả ngày với công việc, giao tế, nên nhiều bậc cha mẹ để con mình tự lo liệu việc học hành, sinh hoạt. Như một kết quả tự nhiên của việc tiếp xúc thường xuyên với các câu chuyện yêu đương, rất nhiều em đã biết yêu từ rất sớm.

Có trường hợp hai em học sinh lớp 11 gọi điện đến tư vấn tâm lý "kêu cứu" vì họ đang gặp tình yêu "ngang trái", bị bố mẹ ngăn cấm. Điều đáng buồn là càng cấm, đôi bạn trẻ càng yêu nhau tha thiết, mặc cho bố mẹ cô bé giam giữ, đánh đập đến mức trói con vào thang nhôm. Khi được thả ra, các em lại lén lút gặp nhau, và trong trạng thái yêu đương mê mẩn đó, họ đã ăn nằm với nhau.

Tình yêu giống như một dòng nước. Nếu để bình thường thì nó chảy xuôi êm ả, nhưng nếu be bờ, đắp đập thì lập tức nó dâng lên thành thác, thành ghềnh. Chuyện "giam lỏng con" ngày nay có lẽ không còn là cá biệt, vì các bậc phụ huynh coi đó là biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình yêu học trò. Nhưng thực tế trong nhiều trường hợp, việc quản thúc lại làm tình yêu trở nên cuồng dại hơn. Những em gái 15,16 tuổi bỏ nhà theo "tiếng gọi của tình yêu" nằm trong trường hợp đó.

Tốt hơn hết, cha mẹ nên trò chuyện thân mật với các em, từ đó hướng dẫn các em về tình cảm đúng đắn trong quan hệ nam nữ. Nhiều người lo rằng việc nói thật chuyện "ấy" chẳng khác nào vẽ đường cho hươu chạy. Nhưng, thà vẽ đường cho hươu chạy đúng hướng, còn hơn là để hươu chạy lung tung.

Một ông bố nọ cho con gái mượn máy ảnh đi dự sinh nhật bạn. Khi con trả, tình cờ bà mẹ phát hiện cô con gái mới 13 tuổi chụp đến 10 kiểu ảnh cùng một anh chàng trạc tuổi có đôi mắt đen lay láy và nụ cười rất tinh nghịch. Mẹ đùa hỏi con: "Người yêu hay sao mà con chụp chàng này nhiều thế?". Cô con gái xấu hổ đỏ mặt chạy mất. Hai vợ chồng nhìn theo con tủm tỉm cười.

Ông bố bồi hồi nhớ lại khi mình bắt đầu "yêu" cũng chỉ 14 tuổi và "người yêu" của ông mới có 13. Nhưng chỉ nửa năm sau, lên lớp trên ông lại "yêu" cô khác. Ông thích nhất mỗi khi đến trường, vì xe cô ta không có khóa nên cứ phải đợi "người ấy" đến khóa cùng hai cái vào nhau, đến lúc về lại mở khóa ra, để được đạp xe đi cùng đường một đoạn.

Cha mẹ thấy con gái mình phát triển bình thường vậy cũng chẳng có gì lo lắng. Những lúc hai mẹ con cùng làm bếp, mẹ thường hỏi về các bạn của con một cách thân tình, và vì thế cô con gái chẳng giấu mẹ điều gì. Có khi tự nhiên cô còn khoe là bạn Quốc Anh tặng con quyển sổ ghi điện thoại bé tí tẹo rất xinh.

Nhưng trong thực tế, có mấy người lớn lại nhớ được những tình cảm yêu đương e ấp của chính mình khi ở lứa tuổi học trò?  Họ thấy con có những tình cảm "già tình bạn, non tình yêu" như thế lại lấy làm sửng sốt, bàng hoàng, và thực hiện ngay những biện pháp can thiệp có phần thô bạo. Có người nói thẳng vào mặt bạn của con những lời quá phũ phàng khiến chúng bị tổn thương, sinh ra thù ghét.

Khi con cái đã coi cha mẹ là những người "không có tim", không hiểu gì mình thì chúng sẽ chẳng bao giờ bộc bạch những điều thầm kín. Để khi sự việc không hay xảy ra thì đã quá muộn.

Nhà tâm lý E.Maslow nói: "Nhu cầu bản năng có tính quy luật, ta không thể ngăn chặn mà chỉ uốn dòng chảy theo một hướng khác êm đềm hơn". Tình yêu tuổi học trò là một hiện tượng hoàn toàn tự nhiên, và phụ huynh nên là người đồng hành, hướng dẫn cho con đường đi đúng, thay vì gạt bỏ một cách phù phàng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét